Vai trò của cán bộ lãnh đạo quản lý ở một tổ chức, đơn vị trong đó có các đơn vị trong ngành y tế được thể hiện rõ nét qua thành ngữ “một người lo bằng một kho người làm”.
Sau đổi mới vào năm 1986, và đặc biệt khi các chính sách về phân cấp, phân quyền, tự chủ của chính phủ được thực hiện từ năm 2002 đến nay, vai trò “đầu tàu” của người quản lý lại càng trở nên quan trọng hơn để vượt qua khó khăn, thách thức, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, để làm được “đầu tàu”, người quản lý cần ưu tiên “quản lý giỏi” hay “chuyên môn tốt”, vẫn có nhiều tranh cãi.
Trên thế giới từ lâu đã nhận định cơ sở y tế là một môi trường phức hợp đòi hỏi có sự quản lý, lãnh đạo mạnh mẽ, toàn diện và có sự phối hợp cao. Tuy nhiên, tình trạng người quản lý trong ngành y tế được bổ nhiệm chủ yếu dựa trên trình độ chuyên môn gặp khá phổ biến ở nhiều nước có mức thu nhập thấp và trung bình và Việt Nam cũng không ngoại lệ[1]. Điều này được lý giải bởi đặc thù của ngành y với suy nghĩ “người giỏi chuyên môn thì có thể làm được mọi việc”.
Tuy nhiên, theo quan điểm quản trị hiện đại, quản lý được coi là một nghề và năng lực quản lý tổ chức, quản trị dịch vụ cần được ưu tiên. Nhiều lãnh đạo cơ sở y tế chia sẻ “hiện nay, một giám đốc phải quản lý được tài chính, kinh tế, nhân lực, thậm chí còn phải biết cả đất đai, xây dựng, ngân hàng, công nghệ thông tin, rồi phải nắm chắc về luật…”, “mổ giỏi, chữa bệnh giỏi mà không biết gì về đấu thầu, quản lý kinh tế… thì đi tù có ngày”. Một luồng ý kiến khác lại cho rằng, trong ngành y, người quản lý không chỉ quản lý hành chính mà vừa quản lý về chuyên môn “Giám đốc mà không có chuyên môn thì không nói được ai cả, không có uy tín…” – một giám đốc khác chia sẻ.
Vì vậy, nếu người quản lý vừa có chuyên môn tốt vừa giỏi quản lý thì quá tuyệt vời. Nhưng nếu cán bộ đang hoặc sẽ được bổ nhiệm vị trí quản lý còn thiếu hụt năng lực quản trị thì Chương trình Chuyên khoa cấp II về Tổ chức Quản lý y tế do Trường Đại học Y tế công cộng tổ chức là một giải pháp hết sức phù hợp. Đây là một trong những chương trình chuyên khoa 2 về tổ chức quản lý y tế đầu tiên tại Việt Nam, nhằm đào tạo chuyên gia có trình độ cao về năng lực quản lý. Chương trình học kéo dài 24 tháng, học viên hoàn thành chương trình sẽ được cấp bằng, đáp ứng tiêu chuẩn bắt buộc về chuyên môn của chức danh giám đốc (và tương đương) cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (theo quyết định 4268/QĐ-BYT).