Ngày 12/11/2020, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 18/2020/TT-BYT tư gồm 5 chương quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký và ban hành.
(Ảnh: Khoa Sức khoẻ môi trường – nghề nghiệp)
Theo thông tư 18/2020, từ năm 2021 bệnh viện có quy mô từ 100 giường bệnh trở lên phải thành lập khoa Dinh dưỡng. Mỗi 100 giường bệnh phải có tối thiểu 01 người làm chuyên môn về dinh dưỡng. Đối với bệnh viện có quy mô dưới 100 giường bệnh, nếu không thành lập được khoa Dinh dưỡng thì phải có bộ phận Dinh dưỡng hoặc có người phụ trách dinh dưỡng làm việc toàn thời gian.
Đáng chú ý theo thông tư, người làm chuyên môn tại khoa dinh dưỡng là dinh dưỡng viên (tốt nghiệp cử nhân dinh dưỡng) hoặc bác sỹ y khoa (đa khoa) có chứng chỉ đào tạo về dinh dưỡng lâm sàng.
(Ảnh:Nguồn internet)
Tại thông tư thư cũng nêu rõ, trưởng khoa dinh dưỡng phải là người làm việc cơ hữu toàn thời gian về dinh dưỡng, bao gồm: bác sỹ y khoa hoặc bác sỹ đa khoa và có chứng chỉ đào tạo 6 tháng trở lên về dinh dưỡng lâm sàng; dinh dưỡng viên có trình độ từ đại học trở lên nếu bệnh viện chưa có bác sỹ đáp ứng yêu cầu trên. Trưởng khoa Dinh dưỡng được bổ nhiệm trước ngày 01/01/2021 được tiếp tục giữ vị trí đã được bổ nhiệm và phải được đào tạo để đáp ứng tiêu chuẩn trên trước ngày 01/01/2025.
Bên cạnh đó, khoa Dinh dưỡng phải có các bộ phận sau đây: bộ phận tư vấn dinh dưỡng; bộ phận dinh dưỡng điều trị; bộ phận chế biến và cung cấp chế độ dinh dưỡng. Nếu chưa có bộ phận chế biến và cung cấp chế độ dinh dưỡng, bệnh viện phải ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân ngoài bệnh viện để chế biến suất ăn ngay tại bệnh viện và tổ chức, cá nhân này phải chịu sự giám sát về chuyên môn và an toàn thực phẩm của khoa Dinh dưỡng. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
(Ảnh: Nguồn internet)
Thông tư 18/2020 TT- BYT ban hành quy định hoạt động của khoa dinh dưỡng tại bệnh viện khẳng định lại vai trò quan trọng của dinh dưỡng trong điều trị cũng như vị trí thiết yếu của cán bộ dinh dưỡng trong mô hình chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho người bệnh.