Sapo: Nguồn nhân lực y tế trong lĩnh vực Y tế công cộng trong những năm qua đã tương đối đáp ứng về mặt số lượng, tuy nhiên nguồn nhân lực chuyên sâu, chất lượng cao vẫn còn là một vấn đề cần giải quyết để đáp ứng nhu cầu thực tế về vấn đề sức khỏe tại cộng đồng?
Cùng với sự phát triển của của ngành Y tế nói chung, ngành Y tế công cộng cũng có sự chuyển mình rất lớn trong những năm gần đây. Tuy là lĩnh vực mới tại Việt Nam nhưng trong giai đoạn vừa qua các khối trường Y Dược cũng đã đào tạo được số lượng nhân lực Y tế công cộng đảm bảo cung cấp cho khối Y tế dự phòng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chuyên sâu, có trình độ cao, đáp ứng nhanh nhạy với yêu cầu thực tế trong lĩnh vực phòng bệnh vẫn chưa thực sự được cung cấp đủ.
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam, mặc dù cụm từ “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” luôn được ngành Y tế nhắc đến nhưng nhận thức chung của xã hội về vấn đề phòng bệnh vẫn chưa được coi trọng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Do đó, vai trò và nhiệm vụ của những người làm công tác trong lĩnh vực Y tế công cộng càng đòi hỏi yêu cầu cao, không chỉ có các yêu cầu về chuyên môn mà còn phải chú trọng đến nhiệm vụ truyền thông, giáo dục sức khỏe để thay đổi được kiến thức, thái độ và hành vi của xã hội trong công tác phòng bệnh. Đặc biệt, vai trò thực sự cần thiết của đội ngũ cán bộ chuyên sâu về lĩnh vực Y tế công cộng, không chỉ tham gia vào công tác phòng bệnh tại cộng đồng mà còn tham gia công tác quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học và tham mưu việc hoạch định chính sách.
Để giải quyết vấn đề này, chương trình Tiến sỹ Y tế công cộng của Trường Đại học Y tế công cộng đã được đưa vào đào tạo được hơn 15 năm, với mục tiêu là đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu về lĩnh vực y tế công cộng, có khả năng chủ trì nghiên cứu khoa học và tham gia giảng dạy, đề xuất cũng như hoạch định chính sách, chiến lược nhằm giải quyết vấn đề sức khỏe cộng đồng. Người học chủ yếu là các cán bộ chủ chốt làm công tác quản lý, công tác giảng dạy đã phát huy được kiến thức và kỹ năng của mình trong quá trình công tạc cũng như vận dụng trong việc giải quyết vấn đề tại đơn vị và địa phương công tác, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân. Chương trình học có 6 mục tiêu bao gồm: 1.Xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tham gia giảng dạy đại học và sau đại học chuyên ngành YTCC 2.Độc lập hướng dẫn học viên trong lĩnh vực YTCC 3.Phát hiện, phân tích và lựa chọn những vấn đề ưu tiên tại cộng đồng 4.Lập kế hoạch, tổ chức và điều hành triển khai hoạt động, chương trình, chính sách Y tế 5.Giám sát, đánh giá các hoạt động đào tạo, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng 6.Thiết kế và điều hành việc thực hiện các cuộc điều tra, các nghiên cứu khoa học theo các chương trình Y tế quốc gia và theo nhu cầu địa phương, đơn vị, tổ chức. Với các mục tiêu chi tiết và đa dạng, nguồn cán bộ sau khi học xong chương trình Tiến sỹ YTCC có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nguồn nhân lực chuyên sâu, chất lượng cao trong lĩnh vực YTCC, đảm bảo mục tiêu phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật tại cộng đồng, nâng cao sức khỏe nhân dân.