Ngành PHCN Việt Nam trong những năm qua đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong vấn đề cung ứng dịch vụ, công tác nhân lực của ngành gặp rất nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ chuyên ngành PHCN còn mỏng, thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi, đặc biệt là rất thiếu kỹ thuật viên PHCN được đào tạo bài bản.
Theo báo cáo tổng kết về công tác PHCN năm 2019 của Cục Quản lý khám, chữa bệnh tại Hội nghị “Nâng cao hệ thống PHCN tại Việt Nam – Thực trạng và Giải pháp” hiện mạng lưới cơ sở y tế về PHCN đã được củng cố với 1 Bệnh viện PHCN thuộc Bộ Y tế, 1 Trung tâm PHCN trực thuộc BV Bạch Mai, 36/63 tỉnh có bệnh viện PHCN; 100% các bệnh viện đa khoa trung ương và 98% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có khoa PHCN. Trong những năm qua, nhiều kỹ thuật PHCN mới, chuyên sâu đã được ứng dụng góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh, giúp họ hòa nhập cộng đồng, giảm gánh nặng kinh tế xã hội.
Hội nghị Nâng cao chất lượng hệ thống PHCN VN
(Nguồn: kcb.vn)
Mặc dù đã đạt được một số thành tựu trong những năm qua, báo cáo về công tác phục hồi chức năng cũng chỉ rõ mặt còn tồn tại đó là đội ngũ nhân lực còn mỏng, thiếu cán bộ có trình độ giỏi, đặc biệt là các kỹ thuật viên PHCN chuyên sâu như Hoạt động trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu… Cũng theo nghiên cứu đánh giá nhu cầu đào tạo Kỹ thuật PHCN tại Việt Nam năm 2019 của Trường Đại học Y tế công cộng, hiện cả nước ước tính thiếu hụt khoảng 10.000 kỹ thuật viên PHCN được đào tạo bài bản. Điều này dẫn đến tình trạng người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng, đặc biệt là các kỹ thuật chuyên sâu như hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu.
Xuất phát từ thực tế đó, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần cung cấp nguồn nhân lực được đào tạo bài bản theo quy chuẩn để đáp ứng nhu cầu PHCN ngày càng tăng của người dân.
Hiện tại cả nước có 6 trường Đại học đào tạo cử nhân kỹ thuật Phục hồi chức năng: ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương, ĐH Y khoa Tokyo Việt Nam, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Kỹ thuật Y tế Đà Nẵng, ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh và ĐH Y tế công cộng. Trong đó, trường Đại học Y tế công cộng với chương trình đào tạo tiên tiến, cập nhật, thời gian thực hành chiếm 70% khối lượng chương trình không chỉ chú trọng đào tạo chuyên môn nghiệp vụ mà còn giảng dạy về tâm lý lâm sàng, nhằm giúp sinh viên ra trường trở thành những kỹ thuật viên có tâm, có tài, giúp ích cho người bệnh nói riêng cũng như sự phát triển của ngành phục hồi chức năng nói chung.
Phòng PHCN thuộc Phòng khám đa khoa – trường Đại học Y tế công cộng với trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn của Nhật là cơ sở thực hành của sinh viên khi theo học ngành CNKTPHCN.