Ô nhiễm không khí tại các đô thị – Giải pháp kiểm soát
Từ tháng 9/2019 trở lại đây, chất lượng không khí tại một số thành phố lớn trên thế giới, trong đó có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh liên tục đạt ngưỡng cảnh báo nguy hại và rất nguy hại cho sức khỏe. Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan tại các nước đã chỉ đạo và thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe.
Tháng 11/2019, thủ đô New Dehli của Ấn Độ trải qua đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Vào ngày 3/11/2019, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Ấn Độ lên đến mức cực đại (999) – tương đương với ảnh hưởng sức khỏe khi con người hút khoảng 40 – 50 điếu thuốc lá/ngày, trong khi đó AQI ở mức trên 400 đã được coi là mức độ rất nguy hại đối với sức khỏe con người.
Tại hai thành phố lớn nhất của Việt Nam là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh liên tục ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức xấu đến nguy hại. Trong hai ngày 12 và 13/12/2019, chỉ số AQI ở một vài điểm ở Hà Nội ở mức trên 300, thậm chí có điểm lên tới 500, là mức rất nguy hại cho sức khỏe con người. Nhiều thời điểm, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nằm trong tốp những thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 7 triệu ca tử vong do ô nhiễm không khí. Tình trạng khói mù (là sự kết hợp của sương và khói do ô nhiễm không khí) là nguyên nhân làm tăng tỉ lệ đột quỵ, tim mạch, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và một số bệnh đường hô hấp khác. Tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng tại các khu vực đô thị trên thế giới và tại Việt Nam có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do khí thải từ lượng lớn các phương tiện giao thông, đốt rơm rạ, nhiên liệu hóa thạch và củi trong sinh hoạt hàng ngày, xử lý rác thải bằng phương pháp đốt, rừng và cây xanh bị chặt hạ cũng như sự gia tăng dân số nhanh chóng tại các đô thị, hoạt động xây dựng và phát triển đô thị, sử dụng nhiệt điện than v.v.
Giải pháp nào cho tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị?
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc với 23 triệu dân đã từng lọt tốp những thành phố ô nhiễm không khí trầm trọng nhất trên thế giới. Kể từ 2013 trở lại đây, Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã tích cực áp dụng các biện pháp xử lý ô nhiễm không khí một cách hiệu quả. Việc phân loại nguồn gốc và đặc trưng của các loại chất gây ô nhiễm không khí tại thành phố và các vùng phụ cận được chú trọng. Nguồn gây ô nhiễm không khí tại thành phố này chủ yếu đến từ hai nguồn, thứ nhất là từ các hoạt động của con người như khói, khí thải từ các công xưởng, nhà máy sản xuất công nghiệp và từ sinh hoạt của người dân, khí thải phát thải từ gần 6 triệu xe ô tô các loại; thứ hai là nguồn tự nhiên khi thành phố nằm gần sa mạc ở phía bắc, với ba mặt giáp núi nên thường xuyên chịu ảnh hưởng của những cơn bão cát lớn, gây ảnh hưởng tới tầm nhìn và càng làm cho bầu không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Bắc Kinh đã lần lượt cho xây dựng tới 35 trạm quan trắc tự động chất lượng không khí, tiến hành phân tích nguồn gốc bụi mịn PM2.5, hình thành mạng lưới giám sát và phân tích chất lượng không khí khá hoàn thiện. Bắc Kinh cũng tiến hành phối hợp với một số thành phố lân cận như Hà Bắc, Thiên Tân, Nội Mông cổ để xây dựng cơ chế phối hợp kiểm soát ONKK liên vùng, thống nhất các yêu cầu, giải pháp trong xử lý ONKK. Thành phố tiến hành chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng, từ dùng than đá sang dùng điện và khí đốt, trợ giá cho người dân chuyển đổi dùng than sang dùng điện, các nhà máy cung cấp khí sưởi chuyển từ sử dụng than sang nhiên liệu khí đốt.
Bắc Kinh đã cho di dời và đóng cửa hơn 2.600 doanh nghiệp gây ô nhiễm (in ấn, thủ công nghiệp, đồ gỗ, xi măng v.v.). Thành phố ban hành các tiêu chuẩn chặt chẽ với xe mới, xe đang sử dụng và chủng loại xăng dầu, hạn chế lưu hành theo khu vực và thời gian trong ngày, thúc đẩy đào thải phương tiện cũ, gây ô nhiễm cao.Từ năm 2015-2018, Bắc Kinh đã loại bỏ được hơn 2 triệu xe cũ; tăng thêm hơn 200.000 xe chạy điện hoặc sử dụng năng lượng sạch. Ngoài ra, Bắc Kinh còn tập trung xử lý thường xuyên khói bụi từ các công trường thi công, bụi đường; đồng thời nâng cao sức chống chịu của môi trường bằng việc mở rộng diện tích mặt nước sông hồ, phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng tỷ lệ phủ xanh toàn thành phố lên mức trên 60%…
Nỗ lực kiểm soát ONKK của Bắc Kinh đã thu được hiệu quả rõ rệt. Chỉ số PM 2.5 của thành phố này trong tám tháng đầu năm 2019 giảm xuống chỉ còn 42 μg/m3, tháng 8/2019 giảm kỷ lục chỉ còn 23 μg/m3, bình quân số ngày không khí trong lành là 150 ngày, tỷ lệ đạt chuẩn là 61,7%, số ngày ô nhiễm nặng chỉ còn 3 ngày, giảm tới 5 ngày so với cùng kỳ năm 2018.
Nguồn: Cem, Monremedia
Tại Hà Nội, việc tăng cường kiểm soát chất lượng không khí đã được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo trong cuộc họp ngày 18/12/2019 và yêu cầu các sở, ngành có liên quan phối hợp thực hiện. Các giải pháp mà Hà Nội chú trọng gồm: bổ sung thêm cũng như đẩy mạnh việc quản lý, vận hành hệ thống mạng quan trắc môi trường; Cơ giới hóa và tăng tần suất quét rác, hút bụi hằng ngày trên các tuyến đường; Triển khai xử lý rác thải rắn bằng công nghệ hiện đại (đốt – phát điện); tăng cường trồng cây xanh; Tiến tới chấm dứt đốt rơm rạ gây khói mù từ những vùng ngoại thành, chấm dứt sử dụng than tổ ong từ 2020; Quy định và giám sát chặt chẽ vệ sinh xây dựng; Áp dụng các công nghệ mới để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải ô nhiễm; Phát triển vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân; Thực hiện nghiêm công tác đăng kiểm và kiểm soát khí thải ô-tô, xe máy, sử dụng xăng nhiên liệu sạch (E5), nâng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô lên EURO 4,5. Tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học để kiểm kê nguồn thải, phân tích thành phần bụi PM2.5 từ đó xác định nguồn gây bụi, tính toán và dự báo mức độ và sự lan truyền ô nhiễm không khí để đưa ra những giải pháp phù hợp.
Giải pháp nguồn nhân lực
Nguồn: Huph
Để ứng phó trước tình trạng ô nhiễm không khí bên cạnh những chính sách quản lý thì công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo cũng là những phương án góp phần đề xuất những giải pháp nhằm kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí. Việc cung cấp những bằng chứng khoa học và kịp thời về chỉ số chất lượng không khí, tác hại của ô nhiễm không khí tới sức khỏe cộng đồng cũng như đề xuất các giải pháp kiểm soát ONKK hiệu quả sẽ góp phần quan trọng giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định phù hợp nhằm kiểm soát tình trạng ONKK. Chương trình đào tạo cử nhân Công nghệ kỹ thuật môi trường (CNKTMT) tại Trường Đại học Y tế công cộng bắt đầu được triển khai từ năm học 2020-2021 có các nội dung liên quan tới vấn đề kiểm soát ô nhiễm không khí như Quan trắc và phân tích môi trường không khí, Vi sinh kỹ thuật môi trường, Truyền thông môi trường, Đánh giá tác động môi trường, Vệ sinh công nghiệp, Quản lý môi trường khu đô thị, khu công nghiệp và làng nghề. Ngoài ra, chương trình còn chú trọng định hướng Sức khỏe – An toàn – Môi trường, giúp sinh viên có thế mạnh khi xin việc về lĩnh vực bảo vệ môi trường trong các cơ sở y tế.