Nhân viên Công tác xã hội trong bệnh viện có vai trò ra sao trong các tình huống khẩn cấp về Y tế công cộng? – Kỳ 3: Những cống hiến và sự hy sinh thầm lặng!
Dịch Covid-19 chắc chắn sẽ qua đi nhưng người ta sẽ còn kể cho nhau nhiều lắm những người hùng và những con người tử tế đã nỗ lực và bận rộn chiến đấu mỗi ngày trong cơn bĩ cực này. Và trong số đó không ai có thể phủ nhận được vai trò trong điều trị và chống dịch của những thiên thần áo trắng trong bệnh viện. Nhưng xin đừng đánh giá thấp vai trò của các cán bộ y tế khác ngoài cộng đồng. Công đầu trong khống chế và kiểm soát dịch bệnh cần phải kể đến những người hùng thầm lặng này – những ‘chiến binh’ quả cảm lăn xả khống chế dịch không lây lan trong cộng đồng. Đó là những cán bộ y tế dự phòng, nhân viên công tác xã hội và tình nguyện viên.
Cán bộ y tế tham gia khử trùng dịch tại cộng đồng (Ảnh: Báo Dân Sinh)
Bên cạnh điều trị lâm sàng, công tác phòng chống dịch trong cộng đồng mới chính là mấu chốt giúp khống chế dịch. Bên cạnh hỗ trợ các hoạt động phân lập, cách ly, theo dõi và báo cáo các trường hợp nghi nhiễm tại cộng đồng, các nhân viên CTXH và cán bộ tình nguyện khác đã tham gia1:
- TƯ VẤN TÂM LÝ tại bệnh viện và trực tuyến cho bệnh nhân, người nhà và cả các cán bộ y tế khác
- Cung cấp thông tin kiến thức về phòng chống và kiểm soát Covid-19
- Cung cấp dịch vụ HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN cho người bệnh được xác nhận và nghi ngờ
- Tham gia SÀNG LỌC cộng đồng.
- Hỗ trợ dịch vụ khác cho nhóm dễ bị tổn thương và thiệt thòi trong cộng đồng.
Cùng với các cán bộ khác, tại các vùng có dịch Covid-19 bùng phát, nhân viên CTXH có lẽ đang trải qua những ngày mệt mỏi, vất vả, áp lực nhất trong sự nghiệp. Họ cũng là người – họ cũng sợ mắc bệnh và lây nhiễm cho những người thân yêu. Nhưng khi đất nước cần, họ không thể thờ ơ! Chống dịch như chống giặc. Những nhân viên y tế tuyến đầu trong các vụ dịch như những chiến sỹ trên mặt trận chấp nhận rủi ro thậm chí hy sinh vì lời thề trong tim, vì sứ mệnh cứu người mà họ đã lựa chọn. Nhưng ở phía còn lại, họ cũng có gia đình, có người thân yêu, cũng cần được nghỉ ngơi, cần một giấc ngủ không lo lắng!!!
Dù có vai trò quan trọng như vậy nhưng CTXH trong ngành y tế tại Việt Nam là lĩnh vực mới và khi triển khai trong ngành Y tế thì hiệu quả mang lại chưa được như mong đợi về cả ý nghĩa và tầm vóc của nó trên tất cả các khía cạnh. Nhân lực ở Phòng CTXH trong bệnh viện ở nước ta còn rất khiêm tốn và chưa tương xứng với nhân lực hiện có của bệnh viện. Đáp ứng yêu cầu này, trong năm học 2020-2021, Cử nhân CTXH trong bệnh viện hệ Vừa làm vừa học (VLVH) sẽ lần đầu tiên được trường Đại học Y tế công cộng tuyển sinh tại Việt Nam. Đến với chương trình đào tạo này, sinh viên sẽ nắm vững kiến thức chuyên ngành CTXH nói chung (CTXH cá nhân, CTXH nhóm, phát triển cộng đồng, an sinh xã hội) và chuyên sâu vào hoạt động của một cán bộ CTXH trong bệnh viện. Đồng thời, sinh viên sẽ hiểu được các phẩm chất đạo đức của người nhân viên và ngành CTXH cũng như các kỹ năng của nghề CTXH như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng giải quyết vấn đề…. Bên cạnh đó, nhà trường hiểu rằng chương trình thực tập là cấu phần cần tập trung của khóa học do đây là hoạt động vô cùng cần thiết và quan trọng, là cơ hội để sinh viên được tìm hiểu tổng quan về mô hình CTXH tại các bệnh viện; được trao dồi những kiến thức kỹ năng và áp dụng những kiến thức được học vào thực hành thực tiễn. Bên cạnh đó, thực tập là cơ hội thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa các cơ sở giáo dục và bệnh viện trong quá trình tiếp nhận và hỗ trợ sinh viên thực tập.
Ảnh: Sinh viên CTXH đi thực tập tại Bệnh viện huyết học Truyền máu Trung Ương – Thực tập là một nội dung ưu tiên của Chương trình cử nhân CTXH trong Bệnh viện tại Trường Đại học Y tế công cộng
1Tham khảo thêm hoạt động của nhân viên CTXH tình nguyện cho người dân đang bị cách ly do nghi nhiễm Covid-19: https://vnexpress.net/suc-khoe/nguoi-vu-han-dum-boc-nhau-4056242.html