“Quá khủng khiếp” có lẽ là một từ có thể bộc tả về nỗi sợ hãi mà Covid-19 tạo ra cho người dân Vũ Hán. Dịch bệnh lây nhanh nhưng nỗi sợ và hậu quả tâm lý còn lan nhanh hơn và chắc chắn còn ám ảnh người dân rất lâu nữa! Đã gần 1 tháng kể từ ngày có lệnh phong thành, mọi người dân Vũ Hán đều cần lắm được trút bỏ, được sẻ chia và an ủi. Ngay tại lúc này hay khi dịch bệnh qua đi (hy vọng sẽ thật sớm), sẽ cần số lượng lớn các nhân viên công tác xã hội (CTXH) hỗ trợ những sang trấn tâm lý cho cả người dân tại cộng đồng và cán bộ y tế trong bệnh viện.
Bác sỹ Trương Kế Tiên – người nữ bác sỹ đầu tiên phát hiện ra dịch Covid-19 – “Lần này, tôi đã khóc hết nước mắt của cả đời rồi” (Ảnh: Sina)
Nhận thức được tầm quan trọng của các hoạt động cộng đồng, ngay từ đầu đợt dịch, nhân viên CTXH không chỉ ở Hồ Bắc mà cả Trung Quốc đã không ngần ngại lăn xả tới tuyến đầu để cùng nỗ lực phòng ngừa và kiểm soát dịch Covid-19 (Theo Hiệp Hội Công tác Xã Hội Trung Quốc). Hiệp hội cũng ban hành nhiều hướng dẫn chuyên môn cũng như hướng dẫn về hỗ trợ tâm lý để giúp họ tham gia phòng chống dịch hiệu quả. Hiện nay, người dân trong vùng dịch của Trung Quốc có thể lên mạng để được tiếp cận dịch vụ tư vấn tâm lý trực tuyến. Tại vùng tâm dịch Vũ Hán, Hiệp hội CTXH thành phố cũng tuyển nhiều tình nguyện viên và các nhân viên CTXH được đào tạo chuyên nghiệp để cung cấp dịch vụ hỗ trợ điều trị và tư vấn tâm lý cho những người dân hiện đang cách ly tại nhà hay tại các trung tâm do chính phủ xây dựng trưng dụng tạm. Vũ Hán hiện đang tổ chức mô hình Cộng đồng online “2+3” cùng phòng chống vi rút (“2 + 3” online community anti-virus mode). Mô hình là một nhóm gồm 2 nhân viên chuyên nghiệp (1 nhân viên CTXH và 1 nhân viên cộng đồng) và 3 tình nguyện viên (cán bộ y tế, cán bộ tâm lý và hỗ trợ viên) sử dụng các phương tiện lưu động nhằm giúp chính phủ triển khai sàng lọc người bệnh và can thiệp sớm tại nhà. Có thể nói trong dịch Covid-19 hay các tình huống khẩn cấp khác về Y tế công cộng, nhân viên CTXH giúp hỗ trợ và kết nối để người bệnh và người nhà được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe tinh thần và thể chất. Lúc này đây, hoạt động hỗ trợ tâm lý của nhân viên CTXH là vô cùng cần thiết!!!1,2
https://baomoi.com/nhung-chien-binh-tham-lang-ben-ngoai-benh-vien-chong-dich-corona/c/33889556.epi
Video: Những ‘chiến binh’ thầm lặng bên ngoài bệnh viện chống dịch corona (Zing.vn)
Còn tại Việt Nam, nhân viên CTXH đã cùng các cán bộ y tế khác chung tay không mệt mỏi ngăn chặn và điều trị dịch Covid-19 từ những ngày đầu xuất hiện dịch. Một nhân viên CTXH ở một trong những bệnh viện có tiếp nhận, cách ly và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đã chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn và nguy hiểm khi phải làm việc trong môi trường lây nhiễm cao. Nhân viên CTXH cũng thực sự hoang mang và lo lắng cho chính họ và người thân nếu bị nhiễm bệnh. Nhiều nhân viên CTXH hiện tại cũng chia sẻ họ chưa đủ năng lực để tư vấn tâm lý cho bệnh nhân trong những tình huống khẩn cấp như hiện tại – vì chưa được tham gia các khóa học hay được đào tạo bài bản về CTXH trong bệnh viện. Vì vậy, tăng cường kiến thức và kỹ năng cho nhân viên CTXH thông qua các khóa học chuyên nghiệp về hỗ trợ hỗ trợ tâm lý trong và sau thảm họa hay tình huống khẩn cấp Y tế công cộng là rất cần thiết.
Đáp ứng yêu cầu của xã hội và công tác chăm sóc sức khỏe, trong năm học tới đây (2020-2021), trường Đại học Y tế công cộng dự kiến bắt đầu tuyển sinh và đào tạo Cử nhân CTXH trong bệnh viện hệ Vừa làm vừa học (VLVH). Như vậy, nhà trường sẽ là cơ sở công lập đầu tiên và hiện tại vẫn là duy nhất tuyển sinh và đào tạo Cử nhân CTXH trong bệnh viện cho cả hệ Cử nhân chính quy và Vừa làm vừa học. Chương trình đào tạo cử nhân CTXH hệ VLVH của nhà trường được xây dựng công phu với triết lý hướng tới người học lấy học viên là trung tâm. Chương trình được xây dựng dựa trên thực tế có rút kinh nghiệm từ chương trình của cử nhân chính quy và tham khảo chương trình đào tạo từ nhiều trường khác nhau và đóng góp ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước. Cử nhân CTXH hệ VLVH được cung cấp kiến thức khoa học cơ bản, y học cơ sở, dịch tễ học; có kỹ năng nghề CTXH định hướng về hỗ trợ, tư vấn, chăm sóc sức khỏe đặc biệt cho nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương… Trong đó, các hoạt động thực tập tại bệnh viện và hỗ trợ tâm lý trong các vụ dịch là hoạt động vô cùng cần thiết và quan trọng. Đây là cơ hội để sinh viên được tìm hiểu tổng quan về hoạt động của các cán bộ CTXH trong các bệnh viện cũng như trau dồi những kỹ năng và áp dụng kiến thức được học vào thực tiễn.
Ảnh: Nhân viên CTXH hỗ trợ người bệnh tại Bệnh viện Việt Đức
1Tham khảo thêm hoạt động của nhân viên CTXH tại Trung Quốc qua bài viết trên trang chủ của Hiệp hội Nhân viên công tác xã hội quốc tế (International Federation of Social Workers – IFSW) https://www.ifsw.org/chinese-social-workers-actively-engaged-in-the-fight-against-the-corona-virus/
2Tham khảo thêm hoạt động của nhân viên CTXH tình nguyện cho người dân đang bị cách ly do nghi nhiễm Covid-19: https://vnexpress.net/suc-khoe/nguoi-vu-han-dum-boc-nhau-4056242.html