Giữa tâm dịch viêm phổi do virus Corona Vũ Hán (2019-nCoV) gây ra, nhiều cán bộ y tế đang đánh đổi mạng sống để dành lại sự sống cho người bệnh. Những thiên thần áo trắng là những người anh hùng sẵn sàng xả thân thậm chí đã hy sinh cho hàng triệu người được cứu sống! Nhưng không phải ai cũng hiểu, cảm thông và chia sẻ sự hy sinh lặng thầm này. Nhiều người bệnh và người nhà trong khoảnh khắc tuyệt vọng thậm chí có phản ứng quá mức như dọa dẫm và hành hung các cán bộ y tế… Chính trong lúc này, cần lắm những cán bộ hỗ trợ tâm lý cho người bệnh cũng như thiết lập và tăng cường mối quan hệ hài hòa giữa người bệnh và và người nhà với cán bộ y tế. Nhân viên công tác xã hội định hướng trong bệnh viện là những cán bộ y tế được đào tạo chuyên nghiệp để thực hiện nhiệm vụ này.

Theo Bộ Y tế, cập nhật đến 17h00 ngày 7/2/2020, số ca tử vong do virus 2019-nCoV đã lên đến gần 650 người trong đó số ca mắc bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus corona đã gần cán mốc 32.000 ca. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã xác nhận tổng số ca mắc tại Việt Nam là 12 trường hợp với 90 trường hợp nghi mắc 2019-nCoV (có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch), 287 trường hợp được cách ly và theo dõi do có tiếp xúc gần với người bệnh và 3 trường hợp đã điều trị khỏi.

 

Số người chết và mắc đang không ngừng tăng lên tại tâm dịch Vũ Hán và toàn quốc Trung Quốc. Tại Việt Nam, cuộc sống hàng ngày của người dân bị xáo động. Nhiều trường học kéo dài kỳ nghỉ Tết hay cho học sinh nghỉ học. Các lễ hội tại các tỉnh thành có dịch đều dừng hoặc hoãn. Các tỉnh thành có dịch như Vĩnh Phúc đang triển khai mọi biện pháp giám sát, phân lập, theo dõi và cách ly. Người dân thấp thỏm, lo âu và thậm chí có một bộ phận lo lắng tìm mọi biện pháp để phòng chống dịch.

Nhân viên y tế động viên lẫn nhau trong tâm bão virus 2019-nCoV tại Sơn Đông, Trung Quốc ngày 24/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thế nhưng, cũng tại thời điểm khó khăn này, sự tử tế lại đang được lan tỏa. Ngay lúc này đã và đang có hàng ngàn người tự nguyện lao vào tâm dịch không nề hà sự an toàn của mình, trực tiếp đối mặt với hiểm nguy để giành giật sự sống và tìm cách khống chế dịch bệnh. Họ là những nhà khoa học, bác sỹ, điều dưỡng, cán bộ y tế công cộng, nhân viên công tác xã hội và tình nguyện viên. Chẳng phải lần đầu và chắc chắn không phải lần cuối họ làm việc này bởi dịch bệnh có bao giờ hết. Những thiên thần áo trắng đã, đang và sẽ luôn luôn lặng thầm và sẵn sàng dấn thân vào nguy hiểm cũng như sẵn sàng hy sinh vì sự sống của bệnh nhân. Đó là trách nhiệm và lời thề trong tim!!! Không ai lùi bước!!!

Mặc dù 500.000 nhân viên y tế tại Hồ Bắc và thêm cả hỗ trợ của bác sỹ quân ý hỗ trợ để chạy đua với dịch bệnh, nhưng các bệnh viện tại Hồ Bắc nơi có tới 60% ca nhiễm bệnh và 95% tử vong do 2019-nCoV vẫn trong tình trạng quá tải. Nhiều bác sỹ khác chia sẻ họ không những thiếu thời gian nghỉ, phải làm việc liên tục cũng như kiệt sức vì số lượng quá lớn bệnh nhân. Như một bác sỹ ở bệnh viện Vũ Hán chia sẻ phải khám tới hơn 150 bệnh nhân trong một ca trực đêm. Nhưng không phải ai cũng hiểu, cảm thông và chia sẻ những cống hiến lặng thầm của những thiên thần áo trắng. Nhiều người bệnh tuyệt vọng, lo lắng, tâm lý bức xúc dồn nén đã có phản ứng quá mức như dọa dẫm hành hung. Ngày 29/1, hai bác sĩ tại Bệnh viện Số 4 Vũ Hán đã bị người nhà của một bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi do virus corona đánh đập.

Chính trong lúc này, cần lắm những nhân viên công tác xã hội giúp thiết lập và tăng cường mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh và giữa người bệnh và người thân với cán bộ y tế. Nhân viên Công tác xã hội (CTXH) là những người được đào tạo với sứ mệnh này! Minh chứng cho sự quan trọng của nhân viên CTXH trong đại dịch SARS (còn được gọi là Hội chứng hô hấp cấp tính nặng do virus SARS-CoV – một chủng của coronavirus – bùng phát tại Hồng Kông và lan tỏa toàn cầu năm 2002-2003) đã được đăng năm 2007 trên tạp chí Social Work in Health Care (Công tác xã hội trong Chăm sóc sức khỏe).1

Nhân viên CTXH góp phần quan trọng giúp giải quyết những căng thẳng trong mối quan hệ giữa người bệnh và cán bộ y tế. Trong những tình huống khẩn cấp như đại dịch, chiến tranh, bị bạo lực, xâm hại, bỏ rơi, bỏ đói,… nếu thiếu đi sự can thiệp khẩn cấp có thể sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của nạn nhân. Nhân viên CTXH giúp kết nối để người bệnh đến được nơi an toàn và được chăm sóc về sức khỏe tinh thần và thể chất, hỗ trợ và kết nối trị liệu tâm lý cho người bệnh và người nhà cũng như cả các nhân viên y tế. Hoạt động của cán bộ tâm lý là cần thiết trong tình huống khẩn cấp, đặc biệt đối với đại dịch Corona như hiện tại. Hoạt động này kết hợp với các hoạt động khác để giải quyết vấn đề người bệnh gặp phải cần được tiếp tục thực hiện ở những giai đoạn tiếp theo giúp người bệnh phục hồi và phát triển về thể chất & tinh thần từ đó đạt được hiệu quả chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Tại Việt Nam, ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020. Tiếp đó, năm 2011 và 2015, Bộ Y tế đã ra các công văn liên quan tới công tác xã hội trong bệnh viện với Quyết định số 2514/QĐ-BYT về Đề án Phát triển Nghề Công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011-2020 và Thông tư số 43/2015/TT-BYT quy định nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện. Như vậy, công tác xã hội chính thức được công nhận là một nghề và có cơ sở pháp lý để phát triển tại Việt Nam. Dù vậy CTXH trong bệnh viện của Việt Nam hiện thiếu cả về mặt số lượng nhân lực và chuyên môn tham gia hoạt động CTXH trong bệnh viện. Nắm bắt yêu cầu của xã hội, từ năm học 2017-2018, trường Đại học Y tế công cộng là cơ sở đầu tiên và hiện tại vẫn là duy nhất tiến hành tuyển sinh và đào tạo Cử nhân Công tác xã hội trong bệnh viện. Cho đến năm học sắp tới (2020-2021) nhà trường tiếp tục mở rộng sang đào tạo cho các cán bộ y tế đang công tác với loại hình tuyển sinh vừa làm vừa học. Gần 4 năm trôi qua, khóa đầu tiên cử nhân CTXH của nhà trường sắp ra trường và chắc chắn những cán bộ này sẽ góp phần không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe hàng ngày, đặc biệt là trong công tác phòng chống các vụ dịch bùng phát như 2019-nCoV.

Ảnh: Nhân viên công tác xã hội bệnh viện Việt Đức hướng dẫn trợ giúp người bệnh

1: Bài viết Medical social work practice and SARS in Singapore. Của tác giả Rowlands A được đăng trên tạp chí Social Work in Health Care (link bài báo: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/17855230 )