Dinh dưỡng có mối liên quan chặt chẽ trong phòng ngừa, điều trị và phục hồi bệnh tật. Dinh dưỡng tốt sẽ giúp con người khỏe mạnh, bệnh nhân mau chóng hồi phục, rút ngắn thời gian điều trị, giảm chi phí cho bệnh nhân và gánh nặng xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng của dinh dưỡng cũng như hội nhập với xu thế trên thế giới, trong nhiều năm gần đây Việt Nam đã quyết tâm tập trung vào việc đào tạo, củng cố và đẩy mạnh vai trò, chức danh nghề nghiệp cho cán bộ làm việc trong lĩnh vực dinh dưỡng

Thực trạng nhân lực làm công tác dinh dưỡng ở Việt Nam hiện nay

Hệ thống dinh dưỡng cộng đồng đã được hình thành và triển khai trên khắp cả nước (từ trung ương đến địa phương) thông qua mạng lưới các Trung tâm Y tế dự phòng và Sức khoẻ sinh sản. Hệ thống dinh dưỡng trong các cơ sở điều trị cũng đã được thiết lập nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Nhân lực làm việc trong hệ thống dinh dưỡng cộng đồng và điều trị có một số ít được đào tạo về dinh dưỡng ở bậc Thạc sĩ và tiến sĩ, còn lại chủ yếu là các bác sĩ, điều dưỡng hoặc các ngành nghề khác, chưa được đào tạo cơ bản về dinh dưỡng.

Hình 1. Trình độ chuyên môn của cán bộ làm việc trong lĩnh vực dinh dưỡng ở VN hiện nay

(Nguồn: báo cáo của Cục QLKCB-Bộ Y tế, 2013)

Ngoài các cán bộ làm việc trong hệ thống dinh dưỡng công lập, rất nhiều các cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm như các công ty chế biến thực phẩm và suất ăn sẵn, các khách sạn, nhà hàng và các bếp ăn tập thể cũng có nhu cầu được đào tạo cơ bản về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.

Năm 2011, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 08/2011/TT-BYT ngày 26/01/2011 hướng dẫn về công tác dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện, trong đó qui định rõ tất cả các bệnh viện từ hạng III trở lên cần hình thành tổ/đơn vị/ khoa dinh dưỡng, nhân lực làm việc trong đơn vị này cần được đào tạo về dinh dưỡng và qui định các hoạt động chuyên môn về dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện[1]. Cũng theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, đến nay đa số các bệnh viện đã thành lập được đơn vị dinh dưỡng, tuy nhiên nhân lực làm việc tại các đơn vị này chưa hoàn thiện, chưa thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn liên quan tới dinh dưỡng như đánh giá tình trạng dinh dưỡng, hội chẩn dinh dưỡng, xây dựng và cung cấp chế độ ăn bệnh lý hay tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh… Nguyên nhân là do thiếu cán bộ chuyên môn được tập huấn và đào tạo về công tác dinh dưỡng (khoảng 29,6% cán bộ không được đào tạo chuyên môn về dinh dưỡng).

Đào tạo nhân lực dinh dưỡng trên thế giới và Việt Nam

Trên thế giới, đào tạo dinh dưỡng ở các bậc học khác nhau rất phát triển, đặc biệt là ở bậc đại học, hiện có khoảng trên 100 chương trình đào tạo cử nhân dinh dưỡng và tiết chế ở khắp nơi trên thế giới[2]. Trong khi đó, tính tới thời điểm năm 2019, cả nước hiện có 7 cơ sở tham gia đào tạo cử nhân dinh dưỡng với chỉ tuyển sinh là khoảng 20-50 sinh viên mỗi năm. Với hệ thống dinh dưỡng cộng đồng và dinh dưỡng điều trị rộng khắp trên cả nước cho thấy nhu cầu đào tạo chuyên ngành này là rất cao để góp phần thực hiện thành công các chiến lược quốc gia về dinh dưỡng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Vai trò của cử nhân dinh dưỡng

Tháng 10/ 2015, Bộ Y tế đã ra thông tư liên tịch số 28/2015/TT-BYT-BNV về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dinh dưỡng cho các viên chức dinh dưỡng làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập[3], điều này cho thấy sự quyết tâm của Việt Nam trong việc củng cố và đẩy mạnh vai trò, chức danh nghề nghiệp cho cán bộ làm việc trong lĩnh vực dinh dưỡng. Cử nhân dinh dưỡng ở Việt Nam giữ ai trò quan trọng trong công tác Dinh dưỡng và tiết chế trong bệnh viện, nghiên cứu khoa học về dinh dưỡng và thực phẩm, tham gia các hoạt động dinh dưỡng trong y tế công cộng (Dinh dưỡng dự phòng, Dinh dưỡng cộng đồng, Dinh dưỡng hợp lý và sức khỏe), quản lý An toàn thực phẩm và vệ sinh ăn uống, Quản lý dinh dưỡng và chính sách dinh dưỡng, các hoạt động Dinh dưỡng ngoài ngành y tế : Nông nghiệp, Sinh thái, Công nghệ thực phẩm…

Trường Đại học Y tế công cộng là cơ sở thứ hai trên cả nước tham gia đào tạo cử nhân dinh dưỡng từ 2017, đến nay đã tuyển sinh được 3 khoá với hơn 150 sinh viên, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực dinh dưỡng ở Việt Nam.

[1] Thông tư số 08/2011/TT-BYT ngày 26/01/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn về công tác dinh dưỡng và tiết chế trong bệnh viện.

[2] http://www.bachelorsportal.eu/disciplines/131/nutrition-dietetics.html (Access at 13th April, 2016)

[3] Thông tư liên tịch Bộ Y tế – Bộ Nội Vụ số 28/2015/TT-BYT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dinh dưỡng cho các viên chức dinh dưỡng làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập