Nghiên cứu triển khai được khuyến khích và đẩy mạnh tại trường Đại học YTCC đối với đối tượng sau đại học. Xu hướng này mở ra thêm nhiều lựa chọn đề tài và đáp ứng được yêu cầu ứng dụng vào thực tế.
Triển khai là gì?
Một thực hành/can thiệp hiệu quả tại nơi này nhưng tại sao không hiệu quả tại nơi khác? Do thực hành/can thiệp thực sự không hiệu quả hay do các yếu tố khác? Nếu có đó là các yếu tố nào? Trả lời được các câu hỏi này là đã có thể cải thiện đáng kể tính ứng dụng của thực hành/can thiệp đang thực hiện.
Đây cũng là câu hỏi về hiệu quả thực tế của việc áp dụng các lý thuyết. Khác biệt lớn nhất giữa lý thuyết và thực tế là “BỐI CẢNH” thực hiện. Lý thuyết không có BỐI CẢNH, không có con người, không gian, thời gian và các cấu trúc xã hội. Như vậy, làm thế nào để ứng dụng các lý thuyết/kinh nghiệm hay các thực hành/can thiệp trong bối cảnh thực tế tốt hơn? Đó là quá trình triển khai và là vai trò của NGHIÊN CỨU TRIỂN KHAI.
Nghiên cứu triển khai là gì?
Nghiên cứu triển khai là cách tiếp cận nghiên cứu về các câu hỏi hoặc các vấn đề liên quan đến quá trình triển khai trong một bối cảnh cụ thể. Mục đích là hỗ trợ và đảm bảo cho việc triển khai thành công các thực hành/can thiệp đã được chứng minh hiệu quả. Đây là xu hướng nghiên cứu được đẩy mạnh trong vài năm trở lại đây để lấp đầy khoảng trống giữa nghiên cứu và ứng dụng thực tế.
Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu đề tài KH& CN cấp bộ “thực trạng đào tạo và sử dụng nhân lực y tế theo chế độ cử tuyển và theo địa chỉ tại Việt Nam” tháng 12 năm 2019
Vì mục đích chính của NC triển khai là đảm bảo cho việc triển khai thành công các thực hành/can thiệp, nên các kết quả đầu ra chính của NC là tính chấp nhận (acceptability), tính thích ứng/áp dụng (adoption), tính phù hợp (appropriateness), tính khả thi (feasibility), tính bền vững (sustainability), tính tuân thủ (fidelity), độ bao phủ (coverage) và chi phí của can thiệp đó.
Trong nghiên cứu triển khai, can thiệp được thực hiện theo các chiến lược triển khai. Chiến lược này có nhiều cấp độ có thể thực hiện: cấp độ chính phủ, cấp độ tổ chức, và cấp độ cá nhân. Ví dụ NC triển khai chăm sóc thiết yếu cho sản phụ sinh mổ tại bệnh viện có thể có các chiến lược triển khai từ cấp độ tổ chức (bệnh viện có quy định thực hiện, sửa chữa hạ tầng) và cấp độ cá nhân (tập huấn NVYT, hướng dẫn sản phụ và người nhà…). Sau khi triển khai, nhà nghiên cứu đánh giá tính chấp nhận, phù hợp, khả thi và bền vững của chăm sóc thiết yếu cho sản phụ sinh mổ tại BV này.