Bạn có biết, 73% các trường hợp tử vong hằng năm do các bệnh không lây nhiễm hoàn toàn có thể phòng ngừa được thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lí và lối sống lành mạnh?! Đặc biệt vai trò phòng ngừa, điều trị và hỗ trợ điều trị của dinh dưỡng trong bệnh viện ngày càng được đề cao.
Hiệu quả của chăm sóc dinh dưỡng và vai trò của chuyên viên dinh dưỡng trong bệnh viện ngày càng rõ nét. Điển hình là những bệnh viện đi đầu đẩy mạnh hoạt động dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện. Cụ bà Nguyễn Thị V được chẩn đoán suy thận độ 3 và đang nằm điều trị tại Bệnh viện Lão Khoa Trung ương cho biết: “Tôi nhập viện đã được 5 hôm rồi. Ngay ngày đầu tiên đã được các cô ấy cân đo, tư vấn dinh dưỡng kỹ lắm!”
Các cô ấy mà bà V nhắc đến ở đây chính là các chuyên viên dinh dưỡng của Khoa Dinh dưỡng bệnh viện. Theo thông tư 08/2011/TT-BYT của Bộ Y tế qui định tất cả các bệnh viện hạng III trở lên đều phải có đơn vị Dinh dưỡng, tiết chế và tất cả bệnh nhân nhập viện đều phải được đánh giá tình trạng dinh dưỡng và ghi nhận lại trong hồ sơ bệnh án [2]. Với các ca bệnh đặc biệt, chuyên viên dinh dưỡng cần hội chẩn với bác sĩ và điều dưỡng để lên phương án điều trị và chăm sóc người bệnh.
Sau khi đánh giá tình trạng dinh dưỡng của người bệnh, chuyên viên dinh dưỡng sẽ xây dựng qui trình chăm sóc dinh dưỡng cho từng bệnh nhân. Một nội dung quan trọng trong qui trình chăm sóc dinh dưỡng là xây dựng khẩu phần dinh dưỡng và cung cấp suất ăn phù hợp với bệnh lý của từng người bệnh. Bà V còn cho biết thêm, ngày nào bà nằm viện cũng được các chuyên viên dinh dưỡng ân cần đến tận giường bệnh thăm khám, trao đổi vấn đề ăn uống của bà khiến bà cảm thấy rất an tâm chất lượng chăm sóc của bệnh viện. Hơn thế nữa, các suất ăn điều trị hàng ngày của bà cũng vừa miệng, giá cả hợp lí, và bà thấy bệnh tình đỡ hơn. Được biết, các chuyên viên dinh dưỡng hàng ngày đều phải theo dõi sự đáp ứng dinh dưỡng và điều chỉnh chế độ ăn (nếu cần) cho tất cả người bệnh nội trú.
(Chuyên viên dinh dưỡng đánh giá tình trạng dinh dưỡng bệnh nhân và xây dựng qui trình chăm sóc dinh dưỡng. Nguồn: Bệnh viện Lão khoa Trung ương)
Không chỉ được chăm sóc dinh dưỡng ngày đầu nhập viện và cung cấp suất ăn, theo dõi dinh dưỡng hàng ngày, bà V còn được tư vấn dinh dưỡng và hướng dẫn người nhà bệnh nhân phối hợp chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh. Hoạt động này không những đòi hỏi kiến thức chuyên môn về dinh dưỡng trong điều trị, mà còn yêu cầu các chuyên viên dinh dưỡng trong bệnh viện có kỹ năng giao tiếp tốt với khách hàng (bệnh nhân).
Ngoài ra, một công việc không thể thiếu mà các chuyên viên dinh dưỡng làm hàng ngày để đảm bảo tiêu chuẩn suất ăn bệnh lí đã được chỉ định cho bệnh nhân, đó là giám sát việc chế biến suất ăn để đảm bảo các nhân viên nhà bếp thực hiện đúng. Chuyên viên dinh dưỡng còn tham gia vào việc giám sát nguyên liệu thực phẩm, quá trình chế biến và chia suất ăn đảm bảo an toàn.
(Chuyên viên dinh dưỡng giám sát chế biến suất ăn bệnh lí và an toàn thực phẩm.
Nguồn: Bệnh viện Lão khoa Trung ương)
Bệnh nhân sau khi điều trị ổn định cả về bệnh lí và tình trạng dinh dưỡng tại bệnh viện, vẫn cần duy trì thói quen dinh dưỡng tốt sau khi ra viện. Bà V hôm nay được ra viện. Bà vui mừng cho biết: “Hôm nay tôi được ra viện, tôi rất là vui. Cảm ơn các cô dinh dưỡng hàng ngày đảm bảo cho tôi ăn đúng để nhanh khỏe trở lại. Tôi sẽ thực hiện đúng lời dặn ăn uống của các cô ấy khi về nhà!” Khi người bệnh được xuất viện, chuyên viên dinh dưỡng còn dặn dò, hướng dẫn và tư vấn cho người bệnh thực hiện khẩu phần dinh dưỡng phù hợp. Điều này đặc biệt quan trọng trong một số bệnh cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng như bệnh tiểu đường, tim mạch, hội chứng thận hư, suy thận,…
Để một suất ăn bệnh lí tới được tay bệnh nhân nội trú cần thực hiện rất nhiều công việc. Vì vậy chuyên viên dinh dưỡng hứa hẹn là nhân tố giúp các hoạt động dinh dưỡng tiết chế trong bệnh viện được triển khai và phát triển. Vậy thì còn chần chừ gì nữa, hãy đăng ký chương trình Cử nhân Dinh dưỡng tại Đại học Y tế công cộng để đón chờ cơ hội việc làm rộng mở trong tương lai!
Nguồn tham khảo:
[1] Báo cáo của Cục Quản lí Khám Chữa bệnh – Bộ Y tế, 2018.
[2] Thông tư số 08/2011/TT-BYT ngày 26/01/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn về công tác dinh dưỡng và tiết chế trong bệnh viện.