Đào tạo nhà quản lý nói chung và quản lý y tế nói riêng đòi hỏi có sự gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn. Có như vậy mới có thể nâng cao năng lực quản lý của người học một cách hiệu quả để đảm nhiệm vị trí “một người lo bằng một kho người làm”.

             Năng lực là tổ hợp kiến thức, thái độ và kỹ năng thực hành trong bối cảnh cụ thể. Năng lực không có sẵn mà được hình thành và phát triển liên tục qua học tập, lao động tích cực và thực hành chuyên môn nghề nghiệp. Chương trình Chuyên khoa 2 Tổ chức quản lý y tế của Trường Đại học Y tế công cộng được xây dựng dựa trên các chuẩn năng lực lãnh đạo quản lý cơ bản của cán bộ quản lý y tế. Mục tiêu của chương trình nhằm đào tạo chuyên gia có trình độ cao về năng lực quản lý, có khả năng phát hiện và giải quyết được những vấn đề về quản lý y tế dựa trên các bằng chứng khoa học, thực tiễn, góp phần xây dựng và thực hiện các chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành y tế trong sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá, hội nhập quốc tế.

[Ảnh 1]. Mô hình hệ thống y tế theo WHO

Để đạt được mục tiêu đào tạo, một trong những trọng tâm của chương trình là đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn. Đây cũng là điểm được nhiều học viên đánh giá cao. Anh Nguyễn Văn Bé, một cựu học viên là phó giám đốc bệnh viện khu vực phía Nam cho biết: “Tôi đã đi học nhiều lớp, nhiều khoá, ở nhiều nơi rồi. Nhưng tôi rất thích cách dạy của trường. Lý thuyết chỉ là một phần, các môn học đều có rất nhiều tình huống thực tế để thảo luận, mổ xẻ, mới thấy được từ lý thuyết đến thực tiễn nó như thế nào. Chúng tôi cũng đi thực tế tại các đơn vị y tế trong quá trình học tập”. Anh Phạm Quang Hải, một cựu học viên khác hiện đang đảm nhiệm vị trí giám đốc trung tâm y tế huyện chia sẻ: “Tôi học được rất nhiều trong quá trình học chuyên khoa II tại trường. Từ những kỹ năng đơn giản như kỹ năng trình bày, kỹ năng làm việc nhóm tới quản lý nhân sự, quản lý tài chính… Rất thực tế và hữu ích trong quá trình làm việc của tôi, góp phần rất quan trọng để phát triển trung tâm được như hôm nay

[Ảnh 2]. Một số lĩnh vực quản lý y tế
Nguồn: https://www.hiclipart.com/

        Chương trình được thiết kế với các phương pháp giảng dạy, học tập và đánh giá mới mẻ , gắn với thực tế để có khả năng áp dụng cao.  Tuỳ theo từng môn học, các phương pháp dạy/học tích cực được sử dụng như thuyết trình ngắn, thảo luận nhóm, giảng dạy dựa trên vấn đề (scenario-based learning), thảo luận theo tình huống… Sau khi hoàn thành khoá học này, học viên sẽ có khả năng đảm nhiệm vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên. Cụ thể, học viên sẽ có khả năng:

– Vận dụng được các kỹ năng lãnh đạo, quản lý cơ bản (kỹ năng mềm)

– Phân tích được các nội dung cơ bản về quản lý và điều hành hệ thống y tế

– Áp dụng một số mô hình quản lý chất lượng

– Vận dụng được khoa học hành vi và văn hóa tổ chức trong quản lý và phát triển nhân lực của tổ chức.

– Phân tích được vai trò của các bên liên quan, huy động cộng đồng và vận động chính sách trong giải quyết các vấn đề sức khỏe

– Áp dụng được các nguyên lý của một số phương pháp đánh giá kinh tế trong y tế

– Ứng dụng được các nguyên lý quản lý thông tin sức khỏe và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thông tin y tế.

[Ảnh 3]