Hơn 10 năm nay, cùng với các cán bộ của Phòng Công tác Xã hội (CTXH), Bệnh viện Chợ Rẫy, Thạc sỹ Lê Minh Hiển đã vận động được hơn 4000 nhà hảo tâm hỗ trợ khoảng 20.000 lượt bệnh nhân với tổng số tiền hơn 100 tỉ đồng…

Tốt nghiệp đại học và sau đó là thạc sỹ Quản lý bệnh viện khóa 5 của trường Đại học Y tế công cộng, Thạc sỹ Lê Minh Hiển hiện là trưởng phòng CTXH của bệnh viện Chợ Rẫy. Qua hàng chục năm công tác, anh vẫn luôn trăn trở, ngày ngày tận tụy tìm cách giúp những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được điều trị, khỏi bệnh và đoàn tụ gia đình.

 “Giúp đỡ bệnh nhân nghèo là sứ mệnh và nhiệm vụ thiêng liêng… Chúng tôi hạnh phúc vô bờ bến khi thấy nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt người mẹ nghèo khi con vừa qua “cửa tử” hay một bà cụ vừa được gội đầu, vừa lắng nghe giọng ca ngọt ngào của các ca sĩ để rồi chợt rơi nước mắt vì xúc động do nhớ nhà và xúc động vì được chăm sóc tận tình của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên bệnh viện” (Thạc sỹ Quản lý Bệnh viện Lê Minh Hiển)

Thạc sỹ Lê Minh Hiển (thứ 2 từ trái sang) nhận bó hoa tươi thắm và lời tri ân của những bệnh nhân đã được anh và phòng Công tác xã hội, bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ kinh phí điều trị (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)

Oái oăm là phần đông bệnh nhân nặng thường là đối tượng có thu nhập thấp với điều kiện khó khăn và không mua bảo hiểm y tế. Vì vậy, với số tiền điều trị hàng chục hay cả trăm triệu đồng, dù khao khát được điều trị và được sống nhưng không có tiền thì họ biết làm sao. Chính lúc này, phòng CTXH của bệnh viện với đại diện là anh Hiển thông qua hoạt động hỗ trợ viện chính là nơi “nối nhịp sống, chở niềm tin” cho những hoàn cảnh khó khăn này. Với phương châm “Không được để bệnh nhân chết chỉ vì không có tiền”, bệnh viện đã giúp cho không biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn. Không khó để chứng kiến những nụ cười và cả giọt nước mắt khi khỏi bệnh của cả bệnh nhân và người nhà nơi đây. Họ đã khóc không chỉ vì niềm vui khỏi bệnh và đoàn tụ, mà còn cả sự ấm áp của tình người của các cán bộ y tế nơi đây.

Thành lập từ năm 2008 và chính thức trở thành Phòng Công tác Xã Hội năm 2015, anh Hiển và hơn 30 cán bộ của phòng đã “làm tất cả những gì có lợi cho người nghèo” giúp mang thêm nụ cười, bớt nỗi đau và thắp sáng hy vọng cho những hoàn cảnh khó khăn ở Bệnh viện Chợ Rẫy như chương trình bữa cơm 0 đồng Bếp yêu thương với khoảng 4500 suất ăn/ngày, chương trình 2 tháng một lần đầy ấm áp Ngày chủ nhật chia sẻ Yêu thương hay chương trình Phẫu thuật tim miễn phí cho trẻ dưới 16 tuổi. Phòng CTXH đã được bệnh nhân đặt với tên “căn phòng hy vọng”!

Thạc sỹ Lê Minh Hiển (thứ 2 từ trái sang) và các cán bộ phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)

Nhìn rộng ra cả nước, hoạt động CTXH trong các bệnh viện ở Việt Nam đang ngày phát triển mạnh mẽ nhằm đồng hành và hỗ trợ bệnh nhân trong điều trị và phục hồi sau khi ra viện. Không chỉ huy động hỗ trợ tài chính cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhân viên CTXH trong bệnh viện còn giúp giải quyết những khó khăn khác trong quá trình khám và điều trị như hướng dẫn và tư vấn cho bệnh nhân khi gặp các khó khăn về thủ tục. Nhân viên CTXH chuyên nghiệp còn hướng tới tăng cường kết nối hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và hòa nhập cộng đồng cho bệnh nhân ra viện. Ngoài hỗ trợ thể chất, nhân viên CTXH hỗ trợ cả về tâm lý trong và sau điều trị như chăm sóc sức khỏe tại nhà, chăm sóc người già, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và các vấn đề pháp lý cho bệnh nhân. Nếu bạn yêu thích công việc của những nhân viên CTXH và mong muốn giúp đỡ cộng đồng như anh Hiển hoặc đang và có ý định công tác tại các phòng CTXH, hãy tìm hiểu và đến với trường Đại học Y tế công cộng – cơ sở công lập đầu tiên và duy nhất tuyển sinh và đào tạo – Cử nhân CTXH trong bệnh viện hệ chính quy và hệ vừa làm vừa học.