“Publish or Perish” – “Xuất bản hay Lụi tàn” đề cập đến sự cần thiết phải công bố các kết quả nghiên cứu. Thế nhưng, không phải nghiên cứu sinh (NCS) nào cũng ý thức được điều này cho đến khi những kết quả mà họ tốn thời gian và công sức tìm ra bị “lụi tàn”.
Tại sao phải xuất bản
Hiện nay, việc xuất bản các bài báo khoa học trong nước và Quốc tế là yêu cầu bắt buộc trong chương trình học của NCS. Có các bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín xuất phát từ kết quả luận án là một trong những điều kiện cần để NCS có thể bảo vệ công trình của mình. Nhìn rộng ra hơn, khoảng 85% nghiên cứu về sức khoẻ là không hữu ích do không được công bố một cách phù hợp: Không ai biết về công trình nghiên cứu, các việc nhà nghiên cứu đã làm nếu họ không công bố kết quả. Một nghiên cứu được coi là tốt, có giá trị cần phải công bố kết quả từ đó có thể ứng dụng trên thực tế nhằm nâng cao sức khoẻ của cộng đồng. Xuất bản cũng cho thấy bạn thực sự hiểu những gì bạn đang làm và bạn có tiềm năng phát triển trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Để trở thành một nhà khoa học thực sự có ảnh hưởng, bạn cần học cách truyền đạt ý tưởng của mình bằng các ngôn ngữ hàng ngày, dễ hiểu. NCS chính là nhà khoa học, xuất bản là chứng minh khả năng giao tiếp hiệu quả và kết quả nghiên cứu của họ.
NCS được gì khi xuất bản bài báo?
HOÀN THÀNH KHOÁ HỌC: đây có lẽ là điều NCS nào cũng nghĩ đến đầu tiên. Đúng, công bố được bài báo sẽ là điều kiện để bạn hoàn thành khoá học. Bạn có muốn kết thúc khoá học và có tấm bằng Tiến sỹ – một bậc học cao nhất trong thang bậc tri thức? Chắc chắn là CÓ phải không? Vậy thì chần chừ gì, khi bạn hoàn thành nghiên cứu – hãy viết báo thôi nào.
LEARNING BY DOING: Viết báo giúp bạn rèn luyện kỹ năng đọc tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau: Bài báo yêu cầu tác giả phải đọc các tài liệu có thể là phức tạp từ nhiều nguồn khác nhau. NCS phải hiểu, phân tích, tổng hợp và đánh giá được các tài liệu này. Các kỹ năng này phản ánh công việc của một người làm khoa học với học vị Tiến sỹ, đây là cái bạn có được sau khi công bố được kết quả nghiên cứu của mình.
Một lợi ích nữa có thể vô hình: Viết bài tạo cho bạn một suy nghĩ/ bộ óc nghiên cứu, có căn cứ: hãy nghĩ lại khi đọc các trang Facebook, Twitter… bạn hiếm khi tìm thấy nguồn trích dẫn cho các thông tin được đưa ra. Tuy nhiên khi viết bài khoa học, ngoài việc yêu cầu các thông tin chuyên môn thì còn đòi hỏi các thông tin cần phải có cơ sở, có độ tin cậy. Khi bạn sử dụng các nguồn tài liệu với chú thích đầy đủ, bạn sẽ phát triển tư duy đặt câu hỏi: ai nói như vậy, thông tin này đến từ đâu và tôi có thể tìm thêm thông tin từ đâu?
Viết bài cũng giúp bạn xây dựng các kỹ năng liên quan: đó là các kỹ năng đọc tài liệu, tìm kiếm tài liệu, phân tích và tổng hợp tài liệu, suy nghĩ logic, trình bày khoa học và sử dụng ngôn từ sáng sủa, dễ hiểu.
Điều cuối cùng, bạn biết gì không? Con người chúng ta ai rồi cũng “đi xa” nhưng tên tuổi theo một cách nào đó có thể còn tồn tại mãi. Nếu công bố bài báo, các bài báo này vẫn sẽ giữ lại tên, sự hiện diện của bạn ngay cả khi bạn không còn. Vậy, khi bạn nghiên cứu, phát minh ra điều gì đó, đừng giữ lại – hãy chia sẻ nó thông qua các bài báo được xuất bản nhé!