Tóm tắt: Trong bối cảnh các sự cố môi trường ngày càng gia tăng, việc nâng cao năng lực quan trắc, phân tích môi trường của các cá nhân và tổ chức liên quan đến quản lý nguy cơ môi trường là rất cần thiết. Ví dụ điển hình từ sự cố hoả hoạn tại Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vào ngày 28/08/2019 cho thấy những hạn chế trong năng lực quan trắc và phân tích môi trường trong ứng phó với sự cố môi trường hiện nay.
Vụ cháy Công ty Rạng Đông là vụ cháy xảy ra tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Hà Nội vào ngày 28 tháng 8 năm 2019 tại cơ sở ở phường Hạ Đình quận Thanh Xuân, Hà Nội. Vụ cháy bắt đầu khoảng 18h tại khu nhà xưởng và kho thành phẩm của bộ phận làm đèn dây tóc, huỳnh quang và CFL của công ty. Đến 22h cùng ngày ngọn lửa đã được khống chế, nhưng đã thiêu rụi 6.000 m2 kho xưởng, ước tính ban đầu về thiệt hại tài sản khoảng 150 tỉ đồng, trong đó số lượng sản phẩm có thể ảnh hưởng đến môi trường ước tính 480.000 sản phẩm bóng đèn huỳnh quang; 2 triệu sản phẩm đèn tròn công suất thấp; 1,6 triệu bóng đèn HQ compact.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tối 4/9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết qua tính toán số lượng đèn huỳnh quang và đèn compact bị cháy, cho thấy số lượng thủy ngân bị thất thoát ra môi trường là từ 15,1 – 27,2kg; trong đó 480.000 bóng đèn huỳnh quang chủ yếu là loại đèn dài 1,2m, sử dụng thủy ngân (Hg) lỏng với hàm lượng là 20mg/bóng có độc tính cao hơn viên amalgamm.
Tổng hợp kết quả lấy mẫu quan trắc, phân tích, đánh giá về chất lượng môi trường không khí, nước, đất, chất thải rắn (tro xỉ sau khi cháy) của Sở TN&MT Hà Nội, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường), từ ngày 30/8/2019 – 1/9/2019 cho thấy rõ hiện trạng môi trường sau sự cố cháy nổ của Công ty. Kết quả so sánh với giá trị nồng độ thủy ngân với các quy chuẩn của Việt Nam (QCVN) hiện hành về môi trường cho thấy:
- Có 1/12 mẫu nước mặt có giá trị Hg vượt QCVN 08-MT:2015 1,3 lần tại thời điểm quan trắc trên sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của Công ty ngõ 320 Khương Đình 1,5km. 1/8 mẫu nước thải có giá trị Hg vượt QCVN 40:2011/BTNMT (cột A) 2,76 lần tại điểm quan trắc Hố ga cạnh xưởng Led trong Công ty.
- 12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy có giá trị Hg vượt QCVN 43:2017/BTNMT. Điểm quan trắc tại sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của Công ty ngõ 320 Khương Đình 1 km có giá trị Hg cao nhất, vượt QCVN 43:2017/BTMNT 6,1 lần;
- 1/6 mẫu không khí có giá trị Hg vượt QCVN 06:2009/BTNMT 1,02 lần tại điểm quan trắc trong khuôn viên nhà kho bị cháy của Công ty.
Kết quả so sánh với các tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và châu Âu, ATSDR – Mỹ, Canada cho thấy: Các điểm quan trắc chất lượng không khí xung quanh: Tổng cục Môi trường đã bố trí 4 vị trí lấy mẫu hấp phụ Hg (bằng bẫy vàng theo công nghệ của Nhật Bản) theo hướng phát tán của dòng khí tại vị trí hàng rào của kho sản phẩm bị cháy, tại khoảng cách 200m, 500m và 1.000m tính từ hàng rào kho sản phẩm bị cháy. Kết quả cho thấy, trong khoảng từ hàng rào đến khoảng cách 200m, các mẫu hấp phụ thủy ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị).
Tuy nhiên, trước đó trong thời gian từ ngày 28/8-04/09 đã có rất nhiều thông tin trái chiều trong kết quả quan trắc, phân tích của các đơn vị khác nhau khiến người dân không khỏi hoang mang lo lắng.
Khi một sự cố xảy ra thì việc đo đạc, quan trắc, phân tích môi trường là việc làm cấp thiết. Trước hết phải đo đạc về các thông số vi khí hậu bao gồm nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, hướng gió, những thông số này có thể đo đạc nhanh chóng tại hiện trường bằng các thiết bị chuyên dụng, song song đó thì tiến hành quan trắc tại hiện trường các chỉ số đặc trưng cho từng môi trường. Đối với môi trường không khí thì một số chỉ tiêu có thể sử dụng máy móc trang thiết bị đo ngay tại hiện trường. Đối với môi trường nước, ngoài các chỉ tiêu đo nhanh thì còn lại phải tiến hành lấy mẫu ngoài hiện trường, bảo quản mẫu rồi đem phân tích trong phòng thí nghiệm. Môi trường đất và trầm tích cũng phải được tiến hành như trên. Toàn bộ quá trình đo đạc, quan trắc, phân tích phải tiến hành khẩn trương, chính xác. Sau khi có các số liệu thì mới có thể kết luận tình trạng ô nhiễm, nồng độ khuếch tán.
Hình ảnh vụ cháy ở Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông ngày 28/8/2019
Nguồn: infornet.vn
Ví dụ trên cho thấy việc nắm vững và thực hiện quan trắc, phân tích môi trường có ý nghĩa rất quan trọng. Trong bối cảnh các sự cố môi trường ngày càng gia tăng, việc nâng cao năng lực quan trắc, phân tích môi trường của các cá nhân và tổ chức liên quan đến quản lý nguy cơ môi trường là rất cần thiết.
Đứng trước những nhu cầu cấp thiết đó, ngành học Công nghệ kỹ thuật môi trường của Trường Đại học Y tế Công cộng sẽ bắt đầu triển khai từ năm học 2020 – 2021. Với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, trung tâm xét nghiệm thực hành đạt chuẩn quốc tế, đội ngũ giảng viên nhiệt tình, chuyên nghiệp, các sinh viên sẽ được trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng truyền thông nguy cơ, quan trắc và phân tích môi trường cũng như các kiến thức và kỹ năng quản lý môi trường, ứng phó sự cố môi trường, xử lý ô nhiễm…thông qua các môn học Truyền thông môi trường, Đánh giá tác động môi trường, Quản lý môi trường khu đô thị, khu công nghiệp và làng nghề, Đánh giá, quản lý và truyền thông nguy cơ sức khỏe môi trường, Quan trắc và phân tích môi trường, Quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, Kỹ thuật xử lý nước thải, Kỹ thuật xử lý khí thải, Kỹ thuật xử lý và cải tạo đất v.v
Chương trình đào tạo của Trường kéo dài trong 4 năm. Ngoài các cơ hội xin việc trong các cơ quan, tổ chức, trung tâm, viện nghiên cứu, khu chế xuất, khu công nghiệp, sinh viên tốt nghiệp ngành CNKTMT từ Trường Đại học Y tế công cộng còn có khả năng xin việc cao hơn trong các cơ sở y tế như các bệnh viện từ tuyến trung ương tới tuyến tỉnh, huyện, các trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế dự phòng tỉnh. Trang bị cho sinh viên năng lực toàn diện về lĩnh vực CNKTMT với điểm nhấn về an toàn – sức khỏe và môi trường, chương trình cử nhân CNKTMT tại Trường Đại học y tế công cộng là lựa chọn học thuật lý tưởng trong bối cảnh các vấn đề môi trường đang diễn ra ngày một phức tạp hơn.