Theo ước tính của các chuyên gia Liên Hợp Quốc, trên thế giới cứ mỗi phút lại có 1 triệu chai nhựa được bán ra và ước tính mỗi năm khoảng 5000 tỷ túi nilon được tiêu thụ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Số lượng chất thải nhựa ước tính gia tăng mỗi năm, đặt lên một gánh nặng khổng lồ đối với môi trường. Bởi vâỵ, từ cá nhân cho tới đến các tổ chức, doanh nghiệp, tất cả đều đang tích cực tham gia vào một cuộc chiến với một kẻ thù chung mang tên nhựa.
Mỗi loại rác thải do con người tạo ra hàng ngày để lại mối nguy hại không nhỏ cho môi trường và phải mất rất nhiều thời gian để phân huỷ. Vỏ chuối hoặc vỏ cam mất đến 2 – 5 tuần để phân huỷ còn thời gian tồn tại của một đầu lọc thuốc lá có thể lên tới 1 – 5 năm. Trong khi đó, chất thải nhựa chỉ mất 1 giây để thải ra môi trường, tuy nhiên lại mất đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm mới phân huỷ hết được.
Ảnh 1: Thời gian phân huỷ của một số loại rác thải
Nguồn: National Geographic
Các sản phẩm nhựa dùng một lần thường ít được tái chế, tái sử dụng. Việc sản xuất lại sử dụng nguyên liệu từ dầu mỏ, khi bị thải bỏ, chất thải nhựa tồn tại rất lâu trong môi trường, đặc biệt nguy hại cho sinh vật tự nhiên. Bên cạnh đó dưới tác động của các yếu tố trong môi trường, chất thải nhựa sẽ phân rã thành các mảnh nhựa siêu nhỏ gọi là vi nhựa (Micro Plastics). Các hạt vi nhựa này có khả năng hấp thụ các chất ô nhiễm, lẫn vào nguồn nước, qua chuỗi thức ăn, chúng có mặt trong thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người. Chất thải nhựa khi bị đốt trong điều kiện không kiểm soát, sản sinh ra nhiều chất ô nhiễm độc hại như hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, bụi lơ lửng, bụi kim loại nặng, furan và dioxin, làm ô nhiễm môi trường không khí. Khi được thu gom xử lý tại các bãi chôn lấp, chất thải nhựa không chỉ khó phân huỷ, mà còn cản trở qúa trình phân huỷ của các chất thải, làm giảm đáng kể sức chứa cũng như thời gian sử dụng của bãi chôn lấp.
Ảnh 2: Sự có mặt của vi nhựa trong chuỗi thức ăn
Nguồn: Ted-ed
Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, trong đó nổi lên là vấn đề chất thải rắn nói chung và chất thải nhựa nói riêng. Nhiều biện pháp, cuộc vận động hạn chế rác thải nhựa, túi ni lông dùng một lần đã được tổ chức rộng khắp cả nước. Ngoài ra, chúng ta đang tiến những bước đầu tiên trên cuộc hành trình biến rác thải nhựa thành nguồn tài nguyên như tận dụng khí từ bàĩ chôn lấp để phát điện, đốt bỏ thông thường trực tiếp, đốt tầng sôi, xây dựng con đường làm từ rác thải đầu tiên tại Việt Nam…
Ảnh 3: Đoạn đường làm từ rác thải nhựa ở Hải Phòng
Nguồn: baodautu
Dự án “Con đường làm từ rác” ở Hải Phòng dài 1km, sử dụng ước tính khoảng 4 tấn bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng làm nguyên liệu để xây dựng. Rác thải nhựa sau khi được làm sạch và phơi khô, sẽ được nghiền nhỏ trước khi trộn với nhựa đường ở nhiệt độ 1500C -1800C. Những giải pháp này mang lại hiệu quả cao trong việc kiểm soát chất thải nhựa, tuy nhiên, việc áp dụng rộng rãi còn đang là bài toán khó đối với nước ta. Nguyên nhân chủ yếu ngoài nguồn kinh phí đầu tư phát triển cho công tác bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu, còn có sự thiếu hụt nhân lực trình độ cao có khả năng làm chủ công nghệ mới.
Nhận thấy bài toán nhu cầu nhân lực cần được giải quyết, Trường Đại học Y tế công cộng sẽ bắt đầu triển khai đào tạo Cử nhân Công nghệ kỹ thuật môi trường từ năm học 2020 – 2021 với hy vọng kích thích sự đam mê nghiên cứu và kết hợp ứng dụng để xây dựng các giải pháp công nghệ và quản lý môi trường. Chương trình đào tạo của Trường kéo dài trong 4 năm có các nội dung liên quan đến kiểm soát chất thải nhựa như Quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại; sản xuất sạch hơn; kiểm toán chất thải; quản lý môi trường khu đô thị, khu công nghiệp và làng nghề; quan trắc môi trường và truyền thông môi trường. Ngoài các cơ hội xin việc trong các cơ quan, tổ chức, trung tâm, viện nghiên cứu, khu chế xuất, khu công nghiệp, sinh viên tốt nghiệp ngành CNKTMT từ Trường Đại học Y tế công cộng còn có khả năng xin việc cao hơn trong các cơ sở y tế như các bệnh viện từ tuyến trung ương tới tuyến tỉnh, huyện, các trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế dự phòng tỉnh. Trang thiết bị, cơ sở hạ tầng hiện đại, đầy đủ tạo điều kiện cho sinh viên được học chuyên sâu và tiếp cận kiến thức mới, công nghệ mới. Đây là nền tảng quan trọng giúp sinh viên có thể nắm bắt với các xu hướng công nghệ thay đổi trên thế giới.