Việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện như một cột mốc đánh dấu sự khởi đầu của cuộc đua chất lượng với các bệnh viện trên cả nước.

Với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ và là mục tiêu của cải tiến chất lượng, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 19/2013/TT-BYT hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện như một cột mốc đánh dấu sự khởi đầu của cuộc đua chất lượng với các bệnh viện trên cả nước.

Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện – hay còn gọi là bộ 83 tiêu chí, được xây dựng tiệm cận với các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến chất lượng bệnh viện như bộ JCI (Joint Commission International) của Mỹ, ACHS (The Australian Council on Health care Standards) của Úc…. Ngoài việc đánh giá thực trạng, cung cấp căn cứ để đầu tư, quy hoạch, phát triển, Bộ 83 tiêu chí còn có mục tiêu là cung cấp căn cứ khoa học cho việc xếp loại chất lượng bệnh viện trong cả nước. Như vậy, người bệnh – khách hàng sẽ biết rõ thứ bậc xếp hạng của mỗi bệnh viện như thế nào, chất lượng ra sao để có thể lựa chọn tin tưởng trao sức khỏe, thậm chí tính mạng của mình cho bệnh viện nào chăm sóc.

Trong bối cảnh các bệnh viện phải tự chủ tài chính và người bệnh – khách hàng ngày càng thông thái hơn, có quyền lựa chọn các cơ sở y tế. Do vậy, CHẤT LƯỢNG CHÍNH LÀ CHÌA KHÓA CẠNH TRANH cho các bệnh viện.

Đến nay, sau 6 năm thực hiện đánh giá theo Bộ 83 tiêu chí, điểm chất lượng trung bình của các bệnh viện ở Việt Nam mới chỉ dừng ở mức Khá. Cuộc đua cải tiến chất lượng vẫn còn rất dài và ngày càng có nhiều mô hình quản lý chất lượng hiện nay đang được áp dụng như 5S, TQM, Lean, Kaizen, 6-Sigmas, ISO, JCI… nhưng tất cả đều bắt nguồn và áp dụng vòng tròn PDCA của Tiến sĩ W. Edward Deming – cha đẻ của quản lý chất lượng.

a

Plan (Lập kế hoạch): Xác định mục tiêu và kế hoạch triển khai nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra.

Do (Thực hiện): Thực hiện các kế hoạch đã đề ra.

Check (Kiểm tra): Kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch.

Act (Hành động): Dựa vào việc kiểm tra và đánh giá, đề ra những hành động điều chỉnh cần thiết nhằm đạt được kết quả đề ra hoặc bắt đầu lại chu trình mới với những thông tin đầu vào mới.

Chương trình Sau đại học về Quản lý bệnh viện của Trường Đại học Y tế công cộng được thiết kế nhằm cung cấp cho học viên những kiến thức cơ bản về quản lý chất lượng bệnh viện theo vòng tròn Deming – PDCA, nền tảng cho mọi mô hình quản lý chất lượng khác. Ngoài ra còn cập nhật những mô hình trên thế giới, chia sẻ kinh nghiệm thực tế triển khai bộ 83 tiêu chí đánh giá chất lượng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, những đề tài luận văn tốt nghiệp của học viên SĐH cũng được hướng vào nghiên cứu nhiều vấn đề ứng dụng thực tiễn trong công tác quản lý, cải tiến nâng cao chất lượng tại bệnh viện như: đánh giá sự hài lòng của người bệnh; đánh giá quy trình chuyên môn kỹ thuật; thử nghiệm cải tiến hoạt động bệnh viện….

Ngoài chương trình đào tạo chính quy, Trường Đại học Y tế công cộng cũng đào tạo nhiều khóa ngắn hạn về Quản lý chất lượng cho các đơn vị, học viên có nhu cầu.

Cuối cùng, xin trích dẫn lời của PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, phát biểu khai mạc hội nghị Tổng kết chia sẻ kinh nghiệm triển khai thí điểm đo lường chất lượng bệnh viện lồng ghép khu vực phía Nam tháng 10/2019 vừa qua: “Chất lượng bệnh viện là yếu tố sống còn của hệ thống y tế”.