Ở Việt Nam, từ lâu, việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, chính sự lạm dụng đã dẫn tới sự tồn dư lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và con người. Nhiều công nghệ đã được áp dụng nhưng việc xử lý vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, Việt Nam hiện đang lưu hành 1.700 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (HCBVTV) với trên 4.000 sản phẩm thương mại có các tên gọi khác nhau. Trong đó, nhiều hóa chất có độc tính cao đã bị cấm tại Việt Nam từ năm 2012 nhưng vẫn tiếp tục được lưu hành trên thị trường như: Paraquat, Chlordimeform, Isobenzen, DDT hay Isodrin. Ngoài ra, lượng HCBVTV được sử dụng ở Việt Nam không chỉ ở mức cao mà còn không ngừng tăng lên. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, đến năm 2017, lượng HCBVTV nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng 13 đến 20 lần trong vòng 30 năm.

(Ảnh 1: Các loại HCBVTV tại Việt Nam. Nguồn: Hội làm vườn Việt Nam)

Trong quá trình sử dụng, 50% HCBVTV sẽ rơi xuống và thấm vào đất. Các HCBVTV khó phân hủy, có thời gian tồn lưu ở trong đất dài sau nhiều năm sẽ gây ô nhiễm đất nghiêm trọng. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên môi trường năm 2015, Việt Nam có trên 1.500 điểm tồn dư HCBVTV trên địa bàn 46 tỉnh, thành phố, tăng 42% so với năm 2010. Trong đó, khoảng 200 điểm tồn dư HCBVTV có mức độ rủi ro cao gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Điển hình, ở Làng Ải, xã Trung Môn, Tuyên Quang, 2.400m­đất nông nghiệp có mức DDT vượt 10.000 lần Quy chuẩn Việt Nam. Hay khu vực Núi Căng tỉnh Thái Nguyên có dư lượng HCBVTV gấp 150.000 lần Tiêu chuẩn cho phép gây ô nhiễm 3.600m3 đất. HCBVTV phân giải trong đất rất chậm và dư lượng tồn đọng này gây hại cho cây trồng trong nhiều năm và ảnh hưởng đến sức khỏe con người thông qua chuỗi thức ăn. HCBVTV trong đất cũng có thể ngấm vào gây ô nhiễm nước ngầm và các nguồn nước mặt.

Hiện nay, tại Việt Nam, có 3 nhóm công nghệ xử lý tồn dư HCBVTV đang được nghiên cứu và triển khai : công nghệ đốt, không đốt; bao vây cô lập và xử lý bằng thực vật.

(Hình 2: Xử lý đất tồn dư HCBVTV khó phân hủy. Nguồn: Tổng cục môi trường)

Công nghệ đốt đang được sử dụng để xử lý những HCBVTV có độc tính cao, bền vững. Đây là phương pháp đem lại hiệu quả cao, đạt hiệu suất tiêu hủy trên 99,99%. Tuy vậy, công nghệ này đòi hỏi chi phí rất lớn và làm mất một lượng lớn đất canh tác của người dân.

Tùy theo mức độ ô nhiễm, điều kiện địa hình, quy mô ô nhiễm, các công nghệ không đốt đang được áp dụng gồm có : Phương pháp Fenton, phương pháp sắt nano, phương pháp phân hủy bằng kiềm nóng, phương pháp phân hủy sinh học, phương pháp phá hủy bằng vi sóng Plasma, phương pháp phân hủy ozon hóa kết hợp với tia UV…. Công nghệ Fenton phù hợp để xử lý với đất ô nhiễm quy mô lớn, với các nồng độ hóa chất khác nhau, yêu cầu hiệu suất xử lý cao, thời gian hoàn trả mặt bằng và phục hồi lại tình chất đất nhanh. Tuy vậy, phương pháp Fenton chỉ có thể sử dụng được với các HCBVTV có thời gian phân hủy ngắn và phân bố tốt trong nước. Các công nghệ khác như : công nghệ sắt nano và Daramend thì có chi phí cao và cần áp dụng nhiều chu kỳ; công nghệ rửa đất thì cần thử nghiệm thêm trên quy mô rộng hơn để xác định chính xác tỉ lệ rửa trôi HCBVTV khỏi đất.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô hiễm HCBVTV tồn dư như hiện nay tại Việt Nam, bên cạnh việc thiếu hụt về công nghệ xử lý thì còn do quản lý lỏng lẻo, nhận thức sai lầm từ người dân. Quản lý HCBVTV tồn dư tại Việt Nam hiện nay không chỉ đơn thuần là giải quyết các hóa chất còn tồn lưu trong kho mà trở thành vấn đề ô nhiễm các khu vực do HCBVTV. Đánh giá không chính xác nguy cơ và mức độ ô nhiễm của HCBVTV dẫn đến việc phát hiện muộn hoặc sót các điểm ô nhiễm, gây khó khăn cho các hoạt động xứ lý sau này.

 Trước mối nguy hại do tồn dư HCBVTV, trong quá trình khắc phục cần xử lý, cần ưu tiên những điểm lộ thiên, mức độ ô nhiễm nặng. Tuy nhiên, với hàng nghìn điểm ô nhiễm tồn lưu cần phải xử lý thì mục tiêu “làm sạch” những điểm này vẫn còn là hành trình gian nan đối với các chuyên gia Công nghệ kỹ thuật môi trường. Để giải quyết triệt để tình trạng hiện tại , cần liên tục cải tiến công nghệ xử lý, nâng cao năng lực chuyên môn và bổ sung nguồn nhân lực được đào tạo chính quy về công nghệ kỹ thuật môi trường.